Đón chào thành viên mới trong gia đình là niềm vui và sự hạnh phúc. Nhưng đây cũng là lúc nỗi lo của mẹ bắt đầu. Những tháng đầu trong cuộc đời là giai đoạn quan trọng vì sự nhạy cảm và khả năng đối phó lại với các nhân tố bên ngoài. Nhiều vấn đề cũng nảy sinh, mẹ cần có sự quan tâm đặc biệt đối với bé. Trong đó hiện tượng vặn mình ở trẻ sơ sinh làm bé thức giấc khi ngủ khiến những phụ huynh không khỏi lo lắng.
Nguyên nhân của hiện tượng vặn mình ở trẻ sơ sinh là gì?
Hầu hết tất cả các em bé sơ sinh đều có hiện tượng vặn mình. Bé căng người, duỗi thẳng tay chân và khươ qua lại như múa vờn. Một số bé ngủ lại nhanh chóng sau khi “vận động” xong, một số khác vặn mình thường xuyên cả khi ngủ và khi thức, nghiêm trọng hơn khi bé bắt đầu quấy khóc và không chịu ngủ lại. Giải thích cho hiện tượng này các nhà khoa học đưa ra lý thuyết vì vỏ não của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, phản ứng của vỏ não có xu hướng lan tỏa khi bị kích thích. Bên cạnh đó, trẻ chưa quen với môi trường bên ngoài tử cung mẹ nên rất dễ bị kích thích và tác động từ tác nhân bên ngoài. Các mẹ lưu ý hai nhóm nguyên nhân sau tạo nên hiện tượng vặn mình ở trẻ sơ sinh:
1, Biểu hiện sinh lý bình thường
- Ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường bên ngoài như âm thanh, ánh sáng, côn trùng đốt, nhiệt độ không khí. Một trong những nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng khiến bé vặn mình là do môi trường có quá nhiều tiếng ồn hoặc xuất hiện những âm thanh lớn đột ngột làm con giật mình, vặn mình.
- Trẻ quá đói hay quá no: bé yêu chưa thể nói cho mẹ biết được cảm giác no đói của bản thân. Bên cạnh đó, dạ dày trẻ sơ sinh còn nhỏ nên một lần không thể dung nạp được nhiều lượng sữa, dẫn đến việc con dễ no, nhanh đói. Khi đói, bé sẽ bắt đầu cựa quậy, vặn mình, uốn cong người, chưa được đáp ứng sữa con thậm chí sẽ quấy khóc. Còn khi quá no, vặn mình có thể khiến bé bị nôn trớ.
- Phản ứng rặn tiểu hay đại tiện: bé cũng có thể gồng mình, đỏ mặt như đang cố hết sức để tống thứ gì đó ra ngoài khi muốn đi tiểu hay đại tiện. Phản xạ này là bình thường để điều chỉnh hoạt động của cơ vòng hậu môn và cơ vòng bàng quang. Vì thế, nhiều mẹ hay có kinh nghiệm vặn mình ở trẻ sơ sinh xuất hiện tức là bé đang muốn đi tiểu để kiểm tra tã, bỉm cho trẻ.
- Tã hay bỉm bị ướt: trẻ sơ sinh chủ yếu bú sữa nên đi tiểu rất nhiều lần trong ngày. Cùng với đó phản ứng đổ mồ hôi cũng làm cho tã hay bỉm của bé nhanh bị ướt hơn. Chính điều này làm cho trẻ hay bị khó chịu, vặn người thường xuyên hơn.
- Quần áo, chăn màn quấn quá chật, quá nhiều làm con khó, chịu không có không gian.

Vặn mình ở trẻ sơ sinh là hiện tượng thường gặp ở trẻ thường do hai nhóm nguyên nhân sinh lý và bệnh lý
2, Nguyên nhân bệnh lý của tình trạng vặn mình ở trẻ sơ sinh
Trong nhiều trường hợp, bé vặn mình có thể do ảnh hưởng từ các vấn đề sức khỏe:
- Tình trạng hạ canxi máu: đi cùng với biểu hiện vặn mình thường xuyên là các triệu chứng như thường xuyên giật mình quấy khóc, ngủ không yên giấc, ra mồ hôi trộm rất nhiều, rụng tóc hình vành khăn sau gáy, nôn trớ, lười bú, chậm tăng cân. Thiếu canxi rất nguy hiểm vì có thể để lại hậu quả về còi xương, suy dinh dưỡng hay chậm lớn ở trẻ.
- Ngứa dị ứng: đôi khi việc vặn mình khi ngủ của trẻ xuất phát từ lý do con bị mẩn ngứa dị ứng do côn trùng cắn, dị ứng thời tiết, lông thú vật, nóng trong hay hăm tay chân.
- Con bị ốm, mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt, cảm lạnh, viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi, khó ngủ, bé vặn mình để thể hiện cảm xúc của mình.
Mẹ nên làm gì khi vặn mình ở trẻ sơ sinh xảy đến
Trước tiên, cũng là quan trọng nhất là mẹ phải xác định được tình trạng và nguyên nhân khiến con thường xuyên vặn mình. Nắm rõ được vấn đề này giúp mẹ có phương hướng giải quyết tốt nhất. Những việc mẹ cần làm để hạn chế tình trạng này diễn ra:
- Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường bên ngoài như tã, bỉm, nhiệt độ, âm thanh, ánh sáng trong phòng, …
- Cho bé bú lượng vừa đủ trước khi đi ngủ, cứ 2 – 3 giờ đánh thức cho bé bú một lần
- Nếu vặn mình đi kèm với các biểu hiện bệnh lý thì nên đưa trẻ đi khám để được chuẩn đoán từ bác sỹ và có phương hướng can thiệp kịp thời.
Chăm con là cả quá trình lâu dài cần đến rất nhiều nỗ lực của mẹ. Tình trạng vặn mình ở trẻ sơ sinh không phải hiếm nên mẹ đừng quá lo lắng. Chúc các bé yêu luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và lớn nhanh trong tình yêu thương của cha mẹ.