Giấc ngủ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nếu trẻ ngủ ít có thể gây ảnh hưởng đến trí não, sự phát triển và để lại nhiều hệ lụy về sau. Vậy làm thế nào để giúp con có giấc ngủ ngon, sâu giấc hơn? Mẹ hãy tìm hiểu một số thông tin được mechamcon tổng hợp và chia sẻ ngay sau đây nhé.
Trẻ ngủ ít có ảnh hưởng gì không?
Mỗi đứa trẻ sẽ có thời gian ngủ khác nhau, trung bình trẻ sơ sinh sẽ ngủ từ 14 đến 17 tiếng/ngày, tuy nhiên không phải đứa trẻ nào cũng đạt được số giờ ngủ theo đúng quy định, sẽ có trẻ ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn và mẹ không nên so sánh, định lượng giấc ngủ của con mình với đứa trẻ khác để đánh giá bé ngủ ít hay ngủ nhiều.
Mẹ có thể nhận biết được con ngủ ít khi giấc ngủ của bé dưới 10 tiếng/ngày, lúc này bé sẽ bị thiếu ngủ trầm trọng, cơ thể uể oải, mệt mỏi, mất tập trung và khả năng hấp thụ thức ăn kém hơn. Mẹ cần theo dõi cụ thể tình trạng của con và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và hỗ trợ điều trị kịp thời.
Vậy trẻ ngủ ít sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé như thế nào? Dưới đây là một số trường hợp có thể xảy ra:
- Khả năng nhận thức, học hỏi và sáng tạo của bé sẽ kém hơn so với những đứa trẻ được ngủ đủ giấc
- Bé thường xuyên ốm vặt, dễ mắc bệnh lý do sức đề kháng ngày càng kém hơn
- Trẻ biếng ăn, chậm lớn, chậm tăng cân và phát triển chiều cao
- Trẻ hay cáu gắt, khó chịu, quấy khóc, mệt mỏi và lười vận động
- Sức khỏe kém, dễ lây bệnh khi thời tiết thay đổi,…
Ngoài ra, bé ngủ ít cũng sẽ gây ảnh hưởng đến các hoạt động trao đổi chất bên trong cơ thể, khiến việc hấp thụ thức ăn và các chất dinh dưỡng gặp khó khăn hơn.

Trẻ ngủ ít có thể khiến con chậm phát triển về chiều cao, cân nặng và trí tuệ
Biện pháp giúp con ngủ đúng và đủ giấc hiệu quả nhất
Đảm bảo bé đã được bú đủ no
Trẻ ngủ ít hay ngủ không sâu giấc thường xuất phát từ yếu tố bé đã được bú đủ no hay chưa, mẹ cần theo dõi các cữ bú trong ngày, đảm bảo bé được “nạp đủ năng lượng” trước khi bắt đầu mỗi giấc ngủ.
Không gian ngủ thoải mái
Yếu tố về không gian, môi trường sống ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ của trẻ, thông thường nếu thấy con ngủ ít, ngủ không sâu giấc, hay cáu gắt, trằn trọc, vặn mình mẹ nên kiểm tra lại phòng ngủ của bé. Không gian ngủ của trẻ cần được thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ, thay chăn, ga, gối thường xuyên. Ngoài ra, cần đảm bảo không bị tác động bởi tiếng ồn bên ngoài, giữ yên tĩnh và nhiệt độ phòng phù hợp với thân nhiệt của con để giúp bé ngủ ngon, sâu giấc hơn.
Giữ con luôn khô thoáng
Trước khi cho trẻ đi ngủ, mẹ nên kiểm tra quần áo, tã/bỉm của bé, tránh để tã bị ướt hoặc bẩn khiến con khó chịu, không thoải mái, nên lựa chọn những bộ quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi để mặc cho bé.
Đáp ứng nhu cầu đầy đủ về dinh dưỡng
Trẻ ngủ ít cũng có thể xuất phát từ yếu tố chưa được đáp ứng đầy đủ về dinh dưỡng, nếu bé bú sữa mẹ hoàn toàn cần đảm bảo chế độ ăn uống hàng ngày của mẹ, tránh kiêng khem quá mức để ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con. Trong trường hợp nếu bé dùng sữa công thức bên ngoài, mẹ nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để lựa chọn được loại sữa phù hợp nhất cho con.
Đối với những trẻ đã bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ cần lên thực đơn ăn uống hàng ngày, đảm bảo cân đối đầy đủ 4 nhóm chất gồm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất để đảm bảo con đủ dinh dưỡng và các vi chất cần thiết cho sự phát triển sau này.
Thực hiện massage cơ thể
Massage là biện pháp được rất nhiều mẹ áp dụng và thực hiện nhằm giúp con thư giãn, thoải mái nhất trước khi bước vào giấc ngủ. Hàng ngày, mẹ có thể cho bé tắm bằng nước ấm, sau đó thực hiện massage toàn thân, lòng bàn chân, bàn tay cho bé để giúp con thư giãn, an dịu tinh thần, dễ dàng đi vào giấc ngủ tốt hơn.
Trên đây là một số thông tin mẹ có thể tham khảo về tình trạng trẻ ngủ ít, trong trường hợp nếu đã áp dụng các biện pháp nêu trên mà vẫn chưa thấy con cải thiện tình hình mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám cụ thể, đồng thời xin ý kiến chuyên gia để có giải pháp hợp lý nhất.