Chị Lan Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Bé Tũn nhà chị đã được 8 tháng nhưng mỗi lần đến giờ đi ngủ là như “trận chiến” vì con quấy khóc, không chịu ngủ, hôm nào cũng trằn trọc, rất khó dỗ bé vào giấc. Dạo này thấy con chậm tăng cân, sức đề kháng cũng kém hơn nên chị rất lo lắng”.
Chăm con là một hành trình vất vả, đặc biệt là với những trẻ quấy khóc, khó ngủ mẹ lại càng mệt mỏi hơn. Vấn đề được mẹ Lan Anh chia sẻ cũng chính là nỗi băn khoăn, lo lắng của tất cả các mẹ bỉm sữa. Vậy trẻ khó ngủ phải làm sao? Hãy cùng mechamcon tham khảo một vài bí quyết ngay dưới đây nhé.
Trẻ khó ngủ phải làm sao? Đâu là nguyên nhân khiến bé khó vào giấc?
Trước tiên, để tìm ra được một giải pháp hiệu quả nhất thì mẹ cần biết rõ nguyên nhân khiến trẻ khó ngủ là gì? Yếu tố nào đã ảnh hưởng đến giấc ngủ của con. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến con quấy khóc, khó ngủ mẹ nên tham khảo:
Giờ ngủ bị xáo trộn
Cơ chế sinh học của trẻ không giống như người lớn, do vậy mẹ cần thiết lập một thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ cho con. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng độ tuổi và điều kiện của bé mẹ cần thay đổi linh hoạt nhưng tuyệt đối không được làm xáo trộn giờ ngủ của con. Việc xáo trộn lịch trình sinh hoạt sẽ khiến bé chưa quen với các mốc sinh hoạt mới, nếu muốn con thay đổi mẹ nên áp dụng từ từ và đúng cách, không nóng vội.
Môi trường ngủ không đảm bảo
Yếu tố môi trường ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ của trẻ nhỏ, nếu phòng ngủ quá kín, không được vệ sinh thường xuyên, bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn và nhiệt độ phòng không phù hợp sẽ khiến trẻ khó ngủ, ngủ không sâu giấc, hay giật mình khi ngủ.

Mẹ cần tìm ra nguyên nhân trẻ khó ngủ để có giải pháp điều trị hiệu quả nhất
Trẻ ăn quá no hoặc bị đói
Trước giờ đi ngủ khoảng 1 tiếng, mẹ không nên cho trẻ ăn quá no, đặc biệt với những trẻ đã ăn dặm. Việc ăn quá no sẽ khiến hệ tiêu hóa của trẻ phải hoạt động nhiều, gây cảm giác khó chịu, đầy hơi, chướng bụng làm trẻ mệt mỏi sinh ra cáu gắt, khó ngủ.
Tuy nhiên, mẹ cũng cần đảm bảo con không bị đói bởi đây là nguyên nhân phổ biến nhiều mẹ mắc phải khiến con không đạt được giấc ngủ sâu. Lúc này, mẹ nên bổ sung thêm năng lượng cần thiết, đáp ứng nhu cầu của con.
Bé bị bệnh lý
Thông thường, một số trẻ sau khi tiêm chủng hoặc đang mắc một số bệnh lý cũng gặp phải trường hợp khó ngủ, quấy khóc. Nếu mẹ thấy trẻ khó ngủ kèm theo các dấu hiệu như người mệt mỏi, thân nhiệt tăng cao, sốt, bụng đau quặn,…thì cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Một số phương pháp chữa trẻ khó ngủ được áp dụng thành công
Chắc hẳn, các mẹ thường nghe đến một số phương pháp khoa học được giới thiệu rộng rãi bởi các chuyên gia Nhi khoa hàng đầu thế giới như phương pháp Ferber, phương pháp Easy,…Tuy nhiên, áp dụng các phương pháp này như thế nào để đạt được hiệu quả?
Theo chia sẻ của một số mẹ bỉm sữa trên các diễn đàn lớn dành cho mẹ và bé, đã có rất nhiều mẹ thực hiện theo hai phương pháp này. Cách thức thực hiện như sau:

Mẹ có thể tham khảo áp dụng các phương pháp khoa học luyện ngủ cho con
Phương pháp Ferber: Đây là phương pháp mẹ có thể hiểu là “để trẻ khóc”, được tiến hành theo các bước để chuẩn bị cho bé ngủ, các công việc này bao gồm trình tự cả ban đêm và ban ngày. Đầu tiên, mẹ đặt bé ở giường/cũi, lúc này con sẽ chưa ngủ và rời khỏi phòng. Bé sẽ khóc, tuy nhiên mẹ không nên quay lại phòng ngay mà chờ từ 2 – 3 phút rồi mới đến bên cạnh và an ủi bé nhưng không bế bé lên. Cứ tiếp tục lặp lại như vậy và mỗi lần rời khỏi phòng với thời gian lâu hơn để tạo thành thói quen cho đến khi con có thể tự ngủ.
Phương pháp Easy: “Easy” là khái niệm về một chu trình sinh hoạt của bé bao gồm ăn – chơi – ngủ – mẹ thư giãn. Chu trình này sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày cho đến khi bé đi vào giấc ngủ ban đêm và kết thúc một ngày của mẹ và bé.
Với các phương pháp khoa học mẹ cần kiên trì thực hiện và nỗ lực trong một khoảng thời gian thì mới đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng có không ít mẹ chia sẻ về các mẹo dân gian được truyền tai nhau, tuy nhiên những mẹo này không có căn cứ khoa học nên mẹ cần thận trọng và tìm hiểu kỹ, xin lời khuyên của các chuyên gia trước khi thực hiện cho con để đảm bảo an toàn.
Hi vọng với những thông tin vừa chia sẻ mẹ đã có thêm kiến thức hữu ích để giải quyết vấn đề trẻ khó ngủ phải làm sao? Nếu thấy con có bất kỳ dấu hiệu nào khác thường liên quan đến sức khỏe mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay để có giải pháp điều trị an toàn nhất.