Trẻ bị rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện những biểu hiện cơ bản nhưng nếu mẹ không tinh ý sẽ không nhận ra. Vậy những dấu hiệu này bao gồm những gì? Mẹ hãy tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
Quá trình phát triển của bé có thể bị ảnh hưởng trực tiếp do tình trạng rối loạn tiêu hoá. Tuy đây không phải là vấn đề quá nguy hiểm cho sức khỏe nhưng nếu bé thường xuyên gặp phải rối loạn tiêu hóa, khả năng cung cấp và hấp thu các chất dinh dưỡng của bé cũng sẽ giảm sút, đặc biệt là có thể gây ra suy dinh dưỡng nghiêm trọng nếu không có biện pháp khắc phục. Cha mẹ vì thế cũng không nên lơ là chủ quan.
Dấu hiệu trẻ bị rối loạn tiêu hóa mẹ cần chú ý
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa chưa phát triển đầy đủ và rất dễ gặp vấn đề với hệ tiêu hóa của mình. Nếu mẹ nắm được những triệu chứng trẻ bị rối loạn tiêu hóa sẽ có thể nhanh chóng giúp bé thoát khỏi tình trạng này một cách dễ dàng. Những triệu chứng có thể nói lên tình trạng rối loạn tiêu hóa của bé có thể là:
Bé đau bụng, đầy hơi
Đối với những bé chưa thể giao tiếp bằng ngôn ngữ với cha mẹ thường quấy khóc khi bị đầy hơi. Bé đầy hơi, khó tiêu có thể gây ra các cơn đau với đầy đủ các mức độ và hình thái. Bé có thể đau âm ỉ đến đau quằn quại. Mẹ có thể thấy bé nằm co người lại và dường như không muốn cử động và chuyển sang một tư thế khác.

Bé bị đầy hơi thường khó chịu và quấy khóc nhiều
Nguyên nhân khiến bé bị đầy hơi thường là vì đường ruột của bé chậm hấp thu sữa hay tinh bột, gây lên men và sinh ra nhiều khí trong đường ruột. Từ đó, bụng bé sẽ bị căng cứng khó chịu. Bé cũng dễ bị ợ hơi, thậm chí là nôn trớ sau khi ăn.
Bé bị trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày là tình trạng rất dễ gặp ở trẻ sơ sinh cho đến khi bé được 4-6 tháng tuổi do sinh lý. Bé thường nôn trớ sữa khi ăn vì cơ vòng trong hệ tiêu hóa chưa có khả năng đóng – mở để ngăn thức ăn bị trôi ngược trở lại thực quản, gây nên cảm giác khó chịu buồn nôn và nôn. Một khi hệ tiêu hóa của bé phát triển hoàn thiện, thực hiện được đầy đủ chức năng thì bé sẽ không còn nôn trớ hay trào ngược dạ dày – thực quản nữa.
Có một số nghiên cứu khoa học đã cho thấy trẻ bị trào ngược có liên quan đến bệnh hen suyễn. Bé trào ngược dạ dày thường xuyên cũng có khả năng cao mắc phải bệnh viêm tai, viêm xoang, sút cân, suy dinh dưỡng, chậm lớn và rối loạn phát triển hành vi.
Bé bị táo bón
Đối với những loại thực phẩm được cho là khó tiêu hóa đối với trẻ nhỏ như: các thức ăn rắn, chứa nhiều dầu mỡ, quá giàu chất đạm,… có thể khiến hệ tiêu hóa non nớt của bé gặp “trục trặc”. Trên thực tế thì táo bón là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý không chỉ là rối loạn tiêu hóa. Bé bị táo bón thường chán ăn, ăn ít hơn bình thường khiến cơ thể dễ rơi vào trường hợp thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu. Do đó, bé cũng sẽ có nguy cơ bị còi xương, suy dinh dưỡng, chậm lớn so với những bé cùng lứa có hệ tiêu hóa phát triển tốt.

Thức ăn khó tiêu có thể gây táo bón cho bé
Bé đi ngoài phân sống
Đi ngoài phân sống là dấu hiệu mất cân bằng giữa các vi khuẩn có lợi và có hại trong đường ruột của trẻ. Trong đó, số vi khuẩn có hại đang chiếm ưu thế. Thông thường, đường ruột của mỗi người chứa một hệ vi khuẩn bao gồm 85% lợi khuẩn và 15% vi khuẩn có hại. Đường ruột sẽ làm việc tốt, tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng một cách bình thường nếu hệ vi khuẩn này ở trạng thái cân bằng. Ngược lại, nếu cân bằng này bị phá vỡ, số lợi khuẩn bị suy giảm khiến lượng vi khuẩn có hại tăng cao thì bé bắt đầu có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Bao gồm triệu chứng đi ngoài phân sống, có thể lẫn chất nhầy, đầy tức bụng.
Bé bị tiêu chảy
Đây là dấu hiệu dễ để mẹ nhận biết được rằng bé đang thực sự bị rối loạn tiêu hóa. Mẹ có thể chắc chắn điều này nếu bé bị đi ngoài phân lỏng không dưới 3 lần trong vòng một ngày. Tình trạng tiêu chảy quá nhiều khiến bé nhanh chóng bị mất nước và điện giải. Thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng nếu cha mẹ không kịp tìm biện pháp xử trí sớm và đúng cách cho bé.
Mẹ cần đảm bảo cho bé chế độ ăn uống đầy đủ, nhiều dưỡng chất, dễ tiêu hóa bên cạnh việc bù nước và điện giải để bé nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Mẹ phải làm gì khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa?
Ngoài những trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa với biểu hiện nặng, cần có sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa thì cha mẹ có thể tham khảo một số biện pháp cải thiện thích hợp cho bé:
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Khi hệ tiêu hóa của bé không ổn định, mẹ hãy chú ý hơn đến chế độ ăn của bé. Hãy đảm bảo bé không bị đầy hơi hay nôn trớ, được cung cấp đủ lượng nước, vitamin và khoáng chất cần thiết. Việc chia nhỏ bữa ăn ra cũng sẽ giúp bé hấp thu tốt hơn. Đặc biệt, mẹ nhớ cho bé ăn đồ ăn mềm, dễ ăn, dễ tiêu hóa nhé.
- Tạo tâm lý thoải mái cho bé: Tâm lý thoải mái sẽ giúp bé trải qua cảm giác khó chịu ở bụng dễ dàng hơn. Mẹ không nên ép bé ăn hết đồ ăn hay những món bé không thích. Đảm bảo bé ăn – ngủ đúng giấc nhưng cho bé cảm giác thoải mái nhất có thể.
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa sẽ khó chịu và có thể gây ảnh hưởng đến dinh dưỡng và giấc ngủ. Do đó, khi bé có dấu hiệu bất thường về tiêu hóa, mẹ hãy nhanh chóng tìm cách giúp bé cải thiện nhé!