Chăm con nhỏ là hành trình với muôn vàn sự lo lắng vất vả gian lao. Trong đó, tình trạng trẻ bị còi xương là một trong những trăn trở của mẹ.
Tình trạng trẻ bị còi xương là gì?
Bệnh còi xương là một rối loạn về xương thiếu vitamin D, canxi hoặc phốt phát. Những chất dinh dưỡng này rất quan trọng cho sự phát triển của xương chắc khỏe. Những người bị còi xương có thể có hệ xương yếu và mềm, phát triển còi cọc và trong trường hợp nghiêm trọng là dị tật xương.
Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi và phốt phát từ ruột. Có 2 nguồn cung cấp vitamin D là từ các loại thực phẩm khác nhau như sữa, trứng, cá và cơ thể tổng hợp vitamin D qua da dưới ánh sáng mặt trời. Thiếu vitamin D khiến cơ thể không duy trì đủ lượng canxi và phốt phát cần thiết, xương trở nên mềm yếu.

Bệnh còi xương thường phổ biến nhất ở trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi
Bệnh còi xương thường phổ biến nhất ở trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi vì đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Tình trạng trẻ bị còi xương có thể do không nhận đủ vitamin D khi sống ở khu vực có ít hoặc không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, tuân theo chế độ ăn chay hoặc không uống các sản phẩm sữa. Trong một số trường hợp, nguyên nhân là di truyền.
Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị còi xương
Tuổi tác: Bệnh còi xương phổ biến nhất ở trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi. Trong khoảng thời gian này, trẻ em thường trải qua sự tăng trưởng nhanh chóng. Đây là khi cơ thể họ cần nhiều canxi và phốt phát nhất để củng cố và phát triển xương.
Chế độ ăn: Trẻ có nguy cơ mắc bệnh còi xương cao hơn nếu theo chế độ ăn chay của cha mẹ không bao gồm cá, trứng hoặc sữa. Bé cũng có nguy cơ gia tăng bệnh nếu gặp khó khăn trong việc tiêu hóa sữa hoặc bị dị ứng với đường sữa. Trẻ sơ sinh chỉ được nuôi bằng sữa mẹ cũng có thể bị thiếu vitamin D.
Màu da: Trẻ em gốc Phi, Thái Bình Dương và người gốc Trung Đông có tỉ lệ mắc bệnh còi xương cao nhất vì chúng có làn da sẫm màu. Da sẫm màu không phản ứng mạnh với ánh sáng mặt trời như da sáng hơn, vì vậy nó tạo ra ít vitamin D. Ở Việt Nam, nguyên nhân này có thể được loại bỏ do người Việt thường là da vàng.
Vị trí địa lý: Cơ thể chúng ta sản xuất nhiều vitamin D hơn khi được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vì vậy bé sẽ có nguy cơ bị còi xương cao hơn nếu sống trong khu vực có ít ánh sáng mặt trời. Tương tự như vậy, nếu mẹ chỉ giữ bé ở trong nhà mà tránh tiếp xúc với nguồn ánh sáng mặt trời cũng làm trẻ bị còi xương.
Gen: Còi xương có thể là do di truyền. Điều này có nghĩa là rối loạn được truyền qua gen từ cha mẹ sang bé.
Tình trạng trẻ bị còi xương sẽ đi kèm với các triệu chứng như thế nào?
Không khó để mẹ nhận ra tình trạng bệnh của bé. Nhất là với trẻ nhỏ, quá trình lớn của con diễn ra nhanh chóng, bé mỗi ngày mỗi khác. Những dấu hiệu đi kèm báo hiệu tình trạng trẻ bị còi xương mẹ có thể biết như:

Trẻ bị còi xương chân tay có hình dạng bất thường
- chân có hình dạng bất thường (phổ biến nhất là chân cong vòng kiềng, đầu gối bị cong hoặc gập)
- sưng ở cổ tay, đầu gối và mắt cá chân vì các đầu xương lớn hơn bình thường
- mọc răng muộn, răng yếu, sâu răng và các vấn đề với men răng
- xương sọ mềm
- tăng trưởng kém
- phát triển vận động kém: lật, bò hay đứng đi muộn hơn so với trung bình độ tuổi
- dễ gãy xương sau khi va chạm nhẹ hoặc chấn thương.
Trẻ bị còi xương thường gắt gỏng và cáu kỉnh vì xương bị đau. Đôi khi trẻ có thể có triệu chứng nồng độ canxi rất thấp, chẳng hạn như chuột rút cơ hoặc co giật.
Tình trạng trẻ bị còi xương được điều trị như thế nào?
Điều trị còi xương tập trung vào việc bổ sung vitamin hoặc khoáng chất bị thiếu trong cơ thể để loại bỏ các triệu chứng liên quan đến còi xương. Nếu con bạn bị thiếu vitamin D, bác sĩ có thể sẽ đưa ra lời khuyên về việc cho trẻ tắm nắng với ánh sáng mặt trời ở khoảng thời gian trong ngày hợp lý. Mẹ cũng nên khuyến khích trẻ ăn các sản phẩm thực phẩm giàu vitamin D, chẳng hạn như cá, gan, sữa và trứng.

Cho trẻ tắm nắng tăng cường hấp thụ vitamin D tốt cho hệ xương
Canxi và vitamin D cũng có thể được uống bổ sung để điều trị bệnh còi xương. Hỏi bác sĩ về liều lượng chính xác, phù hợp với thể trạng của trẻ. Quá nhiều vitamin D hoặc canxi có thể không an toàn.
Nếu có vấn đề về khuôn răng, con bạn có thể cần niềng răng để định vị xương chính xác khi chúng lớn lên. Trong trường hợp nghiêm trọng, con bạn có thể cần phẫu thuật chỉnh sửa.
Đối với bệnh còi xương di truyền, cần kết hợp bổ sung phốt phát và hàm lượng cao của một dạng vitamin D đặc biệt để điều trị bệnh.
Trên đây là những kiến thức quan trọng về tình trạng trẻ bị còi xương. Chăm sóc bé khoa học để con phát triển toàn diện không phải dễ dàng.Vì thế mẹ hãy kiên nhẫn chăm chỉ học hỏi để đưa những điều tốt nhất đến với bé nhé. Chúc các con luôn khỏe mạnh, phát triển tốt và thông minh.