Trẻ hay thức dậy và khóc vào ban đêm luôn khiến cho các mẹ mệt mỏi và lo lắng. Vậy tại sao trẻ hay khóc đêm? Lý do nào đã khiến các bé không có được một giấc ngủ trọn vẹn? Hãy cùng mechamcon tìm nguyên nhân ngay trong bài viết dưới đây.
Tại sao trẻ hay khóc đêm?
Trẻ bị đói hoặc quá no: Dạ dày của trẻ rất nhỏ, đối với trẻ sơ sinh mỗi lần chỉ hấp thụ được khoảng 90ml sữa, do vậy mẹ cần phải chia nhỏ các cữ bú trong ngày và đêm. Từ 2 tháng tuổi trở đi hầu hết trẻ thức 2 lần/đêm để bú. Tùy thuộc vào độ tuổi nhu cầu của bé sẽ khác nhau, mẹ nên phân chia các bữa ăn sao cho hợp lý nhất. Nếu trẻ bị đói hoặc cho ăn quá no trước khi ngủ sẽ khiến bé khó chịu, mệt mỏi và hay khóc đêm.
Môi trường ngủ không thích hợp: Thời tiết, không gian ngủ,…đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và giấc ngủ của bé. Nếu thời tiết thay đổi, nhiệt độ không phù hợp, môi trường ngủ nhiều tiếng ồn, ánh sáng quá mạnh cũng sẽ khiến trẻ hay khóc đêm, trằn trọc, ngủ không sâu giấc.
Trẻ thấy không an toàn: Rất nhiều trẻ hay khóc đêm, tỉnh dậy nhưng vẫn có thể tự thích nghi và ngủ lại được. Tuy nhiên, có nhiều bé lại không như vậy, nếu tỉnh dậy không thấy mẹ, không được ôm ấp, âu yếm, vỗ về sẽ khiến bé sợ hãi, lo lắng. Lúc này, khóc chính là dấu hiệu bé muốn tìm đến sự hỗ trợ của bố mẹ.

Có rất nhiều lý do khiến trẻ khóc đêm mà mẹ cần lưu ý
Trẻ khóc do bệnh lý: Thiếu canxi, ốm, sốt, đầy hơi, chướng bụng,…đều là những nguyên nhân khiến trẻ khóc đêm. Nếu thấy bé hay khóc đêm đi kèm với các dấu hiệu khác như mệt mỏi, khóc thét, ra mồ hôi mẹ cần theo dõi và đưa bé đến gặp bác sĩ Nhi khoa để xử lý kịp thời.
Bé bị kích thích quá mức: Nếu ban ngày mẹ đưa trẻ đến những nơi có nhiều hoạt động sôi nổi, vui đùa quá mức, tiếng ồn lớn,…sẽ khiến bé mệt mỏi vào ban đêm và quấy khóc, những âm thanh lớn không tốt đối với hệ thần kinh non yếu của trẻ nên mẹ cần đặc biệt lưu ý.
Nếu mẹ vẫn thắc mắc tại sao trẻ hay khóc đêm thì có thể tìm ngay đến một số yếu tố khác, chẳng hạn như tã/bỉm của bé bị ướt hoặc bẩn, cơ thể bé bị côn trùng cắn,..đây là những lý do cơ bản nhất mẹ cần kiểm tra khi thấy trẻ khóc.
7 bước giúp trẻ hay khóc đêm tìm lại giấc ngủ ngon
Dạy trẻ phân biệt ngày/đêm
Ở những tháng đầu tiên sau khi sinh, trẻ hầu như chưa phân biệt được ngày và đêm, bé thực hiện mọi diễn biến sinh hoạt của mình mà không cần quan tâm đó là ngày hay đêm. Chính vì vậy, mẹ cần giúp trẻ thấy được sự khác biệt.
Thông thường, trẻ sơ sinh có thể ngủ 16 giờ trở lên mỗi ngày, được chia thành nhiều giấc ngủ ngắn và giấc ngủ dài vào ban đêm. Để bé biết đâu là thời điểm ngày hay đêm, ban ngày mẹ có thể thêm một chút âm thanh và ánh sáng, cho bé tận hưởng không khí bên ngoài để cảm nhận rõ ràng hơn. Vào ban đêm, mẹ nên để không gian ngủ của trẻ thật yên tĩnh, tắt đèn và tiếng ồn được giữ ở mức thấp nhất có thể.
Chú ý đến giấc ngủ trưa trong ngày
Mẹ nên giữ thời gian ngủ trưa đều đặn cho trẻ, thói quen này có thể bị xáo trộn khi bé có một số thay đổi như mọc răng, bị cảm hoặc đi du lịch. Tuy nhiên, mẹ cần điều chỉnh để phù hợp nhất, những giấc ngủ ngắn trong ngày của bé không nên kéo dài quá 3 – 4 giờ, đặc biệt là giấc ngủ ngắn cuối cùng trong ngày nên kết thúc trước 4 giờ chiều để bé có thể ngủ sâu hơn và không quấy khóc vào ban đêm.
Ghi chép lại thời gian ngủ của bé
Mẹ nên ghi chép lại những giấc ngủ ngắn và thời gian ngủ của bé để theo dõi dễ dàng hơn. Khi thấy bé có sự thay đổi, mẹ có thể nhận biết được ngay và xem xét lại quá trình. Nếu con có dấu hiệu bất thường, mẹ sẽ có giải pháp xử lý kịp thời.
Thiết lập thói quen đi ngủ là bắt buộc
Nếu trẻ hay khóc đêm, mẹ có thể thiết lập những thói quen trước khi đi ngủ cho bé, để bé cảm thấy thư giãn, thoải mái nhất bằng một số phương pháp sau:
- Cho bé tắm bằng nước ấm, sau đó massage nhẹ nhàng, có thể thêm một chút tinh dầu
- Giảm bớt ánh sáng trong phòng, nên để ánh sáng dịu để bé dễ ngủ hơn
- Ôm bé vào lòng, đọc cho bé nghe một câu chuyện hoặc hát ru để làm dịu tinh thần con
- Khi bé bắt đầu ngủ hãy đặt bé xuống giường, di chuyển nhẹ nhàng để bé cảm thấy an toàn trước khi rời vòng tay mẹ và tự ngủ.

Tạo lập một thói quen duy trì giấc ngủ là rất cần thiết để bé hết khóc đêm
Không ngủ khi đang ăn
Nếu bé đang trong giai đoạn bú sữa mẹ, không nên để bé ngủ khi còn đang bú bởi sẽ ảnh hưởng đến thói quen tự ngủ sau này của trẻ. Một số trẻ sẽ trở nên phụ thuộc và đòi hỏi, nếu không được đáp ứng sẽ sinh ra quấy khóc, khó chịu.
Duy trì thói quen ngủ nhất quán
Dù ngủ các giấc ngắn vào ban ngày hay ban đêm thì mẹ cũng nên duy trì một thói quen nhất quán cho trẻ, đảm bảo đúng giờ đi ngủ và thức dậy để bé quen với lịch trình. Việc duy trì một thời gian ngủ nhất quán sẽ giúp bé ngủ sâu hơn, giảm quấy khóc đêm.
Có thể thay đổi linh hoạt nhưng không phá vỡ thói quen
Trong trường hợp nếu trẻ hay khóc đêm vì vấn đề bệnh lý hoặc cũng có thể do bị ốm, sốt, cảm lạnh, đi du lịch, di chuyển nhiều,…làm gián đoạn giấc ngủ thì mẹ cũng hãy cố gắng giữ thói quen đi ngủ đúng giờ cho bé, có thể thay đổi một cách linh hoạt nhưng không nên phá vỡ những lịch trình đều đặn mà bé đã thực hiện thường xuyên.
Hi vọng, một số thông tin mechamcon vừa chia sẻ đã giúp mẹ giải đáp được thắc mắc tại sao trẻ hay khóc đêm và những biện pháp mẹ có thể áp dụng giúp con ngủ ngon, sâu giấc hơn.