Bé nhà em được 3 tuổi, dạo gần đây có biểu hiện sút cân, người mệt mỏi, chán ăn và thường ăn rất ít, thỉnh thoảng sờ bụng thấy bụng bé căng chướng, đi ngoài ra phân sống, táo bón khiến bé đau và khó chịu. Em đã cho bé đi khám và được biết con bị rối loạn tiêu hóa. Vậy, chuyên gia cho em hỏi rối loạn tiêu hóa ở trẻ em nên ăn gì để bé mau bình phục sức khỏe? Em cảm ơn ạ.
(Mẹ Hoài Phương – Thái Bình)
Trả lời:
Mẹ Hoài Phương thân mến!
Cảm ơn mẹ đã gửi câu hỏi về hòm thư tư vấn của mechamcon, để giúp mẹ giải đáp thắc mắc rối loạn tiêu hóa ở trẻ em nên ăn gì, chuyên gia đưa ra một số lời khuyên như sau:
Rối loạn tiêu hóa là hiện tượng cơ vòng trong hệ tiêu hóa bị co thắt bất thường gây nên tình trạng đau bụng và những thay đổi trong vấn đề tiêu hóa thức ăn. Thông thường, trẻ bị rối loạn tiêu hóa sẽ có các biểu hiện như: Đầy hơi, chướng bụng, táo bón, tiêu chảy, chán ăn, hấp thu kém,… nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến bé bị mất nước, còi xương, chậm phát triển và ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe.
Vậy, nguyên nhân nào gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em? Dưới đây là một số lý do phổ biến:
Sức đề kháng yếu: Đây là nguyên nhân đầu tiên khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, ở những trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa rất cao do không được bổ sung nguồn đề kháng dồi dào này.
Dùng kháng sinh: Một số cha mẹ cho trẻ sử dụng kháng sinh khi điều trị bệnh lý, điều này cũng có thể khiến cho bé bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài ra phân sống, tiêu chảy hoặc táo bón do thuốc kháng sinh khi đi vào cơ thể tiêu diệt cả vi khuẩn có hại và có lợi.
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Đây là lý do vì sao bố mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày của con. Nếu thức ăn không phù hợp, thực phẩm bị nhiễm khuẩn, không sạch sẽ hoặc khẩu phần ăn không cân đối, không phù hợp với độ tuổi có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ.
Ngoài những nguyên nhân phổ biến nêu trên thì các yếu tố về môi trường sống hay trẻ bị ngộ độc thực phẩm, đang mắc một số bệnh lý,… cũng có thể khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa.

Mẹ nên bổ sung đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bé để giúp con khắc phục rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em nên ăn gì? Đây không chỉ là thắc mắc của mẹ Hoài Phương mà còn là băn khoăn chung của rất nhiều mẹ bỉm sữa. Mẹ có thể tham khảo chế độ ăn cho bé bị rối loạn tiêu hóa sau:
Để giúp bé mau bình phục, đảm bảo sức khỏe và tăng cường sức đề kháng tốt hơn, trong thực đơn dinh dưỡng của trẻ mẹ cần đảm bảo đủ 4 nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Đối với tinh bột: Mẹ có thể bổ sung trong thực đơn ăn uống của bé một số món cháo chứa nhiều dinh dưỡng như cháo hạt sen, cháo cà rốt, cháo bí đỏ,… có thể cho bé ăn cơm hoặc mỳ nhưng cháo là tốt nhất bởi lúc này các hoạt động của hệ tiêu hóa không tốt, cháo sẽ giúp trẻ hấp thu được dinh dưỡng nhanh hơn.
Đối với chất đạm: Trong khẩu phần ăn hàng ngày, mẹ có thể cho bé ăn thêm thịt nạc, chế biến thành nhiều món khác nhau để giúp trẻ hấp thu dễ dàng hơn, lọc bỏ phần mỡ.
Đối với chất béo: Mẹ bổ sung thêm vào các món ăn hàng ngày của bé dầu mỡ hoặc bơ, bởi dầu mỡ giúp quá trình hấp thụ canxi, vitamin được tốt hơn. Ngoài ra, cũng nên tăng cường các loại omega-3 thông qua các loại hạt cho bé.
Vitamin và khoáng chất: Mẹ nên tăng cường các loại rau xanh và trái cây tươi, chín mọng như cam, quýt, bưởi, thanh long, chuối, đu đủ,… để bổ sung thêm lượng vitamin và chất xơ cần thiết cho con. Mẹ có thể cho bé sử dụng trực tiếp hoặc xay sinh tố, làm nước ép để cho bé uống. Đặc biệt, chuối tiêu rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.
Ngoài các nhóm dưỡng chất như trên, mẹ cũng nên cho bé sử dụng thêm sữa, các chế phẩm từ sữa hoặc sữa chua lên men để cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp hệ tiêu hóa của bé khỏe mạnh hơn.
Mẹ Hoài Phương thân mến, trên đây là một số thông tin mẹ có thể tham khảo để không còn thắc mắc rối loạn tiêu hóa ở trẻ em nên ăn gì. Trong trường hợp nếu thấy sức khỏe của bé chưa bình phục, mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế hoặc gặp trực tiếp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn và có giải pháp phù hợp nhất.