Trẻ sơ sinh muốn phát triển tốt, tăng cân đều cần đặc biệt chú trọng về một chế độ dinh dưỡng hợp lý, mà nguồn dinh dưỡng duy nhất của trẻ sơ sinh là hoàn toàn từ sữa mẹ. Do đó, mẹ cần hiểu rõ về thành phần của sữa mẹ và cách cho trẻ bú làm sao để đem lại hiệu quả cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Lợi ích của việc cho trẻ bú sữa mẹ
Sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn khá kém và cần thời gian để thích nghi với môi trường xung quanh. Một chế độ dinh dưỡng cho trẻ khoa học và hợp lý là phương pháp hiệu quả giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa được khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Sữa mẹ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và tăng khả năng miễn dịch của trẻ, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng an toàn và khỏe mạnh của trẻ sơ sinh. Hơn nữa, nó cũng giúp trẻ tránh mắc phải các bệnh nhiễm trùng và đảm bảo một trí tuệ minh mẫn.

Sữa mẹ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và tăng khả năng miễn dịch của trẻ
Ngoài việc đem lại lợi ích toàn diện cho sự phát triển của trẻ, để trẻ bú mẹ cũng rất tốt cho sức khỏe của mẹ. Sau khi sinh, tuyến sữa sẽ hoạt động mạnh và bầu ngực của mẹ sẽ căng tức vì sữa về nhiều. Đây cũng là lúc những dòng sữa non quý giá được tiết ra. Do đó, hãy để trẻ được bú mẹ sau sinh càng sớm càng tốt. Điều này sẽ kích thích tuyến sữa của mẹ sản sinh ra nhiều sữa hơn và tử cung cũng co hồi tốt.
Các giai đoạn hình thành của sữa mẹ
- Sữa non: Đây là loại sữa rất giàu đạm, lipid và vitamin A, có màu vàng đặc và chỉ được tiết ra trong vòng 72 giờ đầu sau sinh. Giá trị dinh dưỡng và lượng kháng thể mà sữa non đem lại là nhiều hơn những loại sữa khác.
- Sữa chuyển tiếp: Khi này lượng đạm và vitamin A có trong sữa đã giảm đi, những thành phần có trong sữa chuyển tiếp cũng dần ổn định.
- Sữa vĩnh viễn: Thành phần lớn nhất của sữa vĩnh viễn là đạm (protein), đường (lactose) và chất béo (lipid), tất nhiên sẽ không giàu dinh dưỡng bằng sữa non. Ngoài ra, trong loại sữa này các loại vitamin và những vi chất khác sẽ giúp đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ và cơ thể trẻ có được hệ miễn dịch khỏe mạnh, nhất là trong vòng 6 tháng đầu sau sinh.

Sữa non, sữa chuyển tiếp và sữa vĩnh viến (từ trái sang)
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh
Trong vòng 1 tháng đầu sau sinh, số lần ăn trung bình của trẻ là 7-8 lần/ ngày. Tuy nhiên không phải nhu cầu bú của trẻ nào cũng giống nhau, có những trẻ bú kém hơn nên cho trẻ bú 2 giờ/ lần.
Mẹ cũng không nên lạm dụng cho trẻ bú bình vì khi bú núm cao su lâu ngày sẽ khiến trẻ chán bú mẹ, ảnh hưởng đến việc cho trẻ bú sữa mẹ và dễ dẫn đến việc mẹ bị tắc tia sữa.
Dấu hiệu cho thấy trẻ đã bú đủ:
- Trẻ bú đủ thì đầu ti mẹ sẽ mềm
- Trẻ đi tiểu tiện nhiều hơn 5 lần một ngày
- Trẻ nhiều lần đi đại tiện “hoa cà, hoa cải”
- Trẻ sút cân sinh lý dưới 10%
- Cân nặng của trẻ quay trở lại lúc mới sinh trong vòng 1-2 tuần đầu
- Trong vòng 3 tháng đầu, trẻ tăng 20-30 gram/ ngày

Trong vòng 1 tháng đầu sau sinh, số lần ăn trung bình của trẻ là 7-8 lần/ ngày
Điều quan trọng nhất, muốn trẻ bú tốt và bú đủ thì phải cho trẻ bú đúng. Mẹ nên ngồi ở tư thế thoải mái để tiện lợi hơn trong việc cho trẻ bú, nên hạn chế cho trẻ nằm vì khi mẹ nằm cho bé bú thì dễ khiến bé bị nôn trớ.
Nếu mẹ không đủ sữa, hãy bổ sung thêm sữa công thức cho trẻ nhằm để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Dụng cụ cho trẻ ăn cần đảm bảo vệ sinh tuyệt đối, từ bình sữa, núm vú đến thìa,… Hãy cọ rửa dụng cụ bằng cách luộc qua nước sôi và lau bằng khăn sạch. Mẹ cũng không được tự ý tăng lượng bột sữa hay lượng nước theo cảm tính mà hãy tuân thủ liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tuyệt đối không để trẻ sơ sinh uống nước lọc, nước cháo hay sữa đặc, điều này sẽ không tốt cho tiêu hóa của trẻ.
Cơ thể trẻ sơ sinh vốn rất yếu ớt và nhạy cảm, vì thế cha mẹ cần đặc biệt là lưu ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, nhằm đảm bảo trẻ luôn được khỏe mạnh trong những tháng đầu đời. Hi vọng bài viết trên đây sẽ đem lại những thông tin hữu ích cho mẹ trong việc chăm con khỏe mạnh.