Cách chăm sóc trẻ mọc răng với những người làm mẹ chưa bao giờ là dễ dàng. Mọc răng là trải nghiệm đáng nhớ của cả mẹ và bé. Vậy làm thế nào giúp các con có được kỷ niệm đẹp, và vui vẻ bước qua dấu mốc quan trọng của cuộc đời này?
Thời điểm và dấu hiệu trẻ mọc răng
Mỗi bé sẽ có một cột mốc mọc răng khác nhau phù thuộc vào dinh dưỡng, di truyền, cân nặng, thời điểm mới sinh hay sự phát triển của bé. Tuy nhiên, thông thường, bé sẽ mọc những chiếc răng đầu tiên vào khoảng thời gian từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 10, đến 24 tháng là con sẽ có đủ hàm 20 cái răng sữa.

Bé bắt đầu mọc răng vào khoảng tháng thứ 6 – 10
Nhiều mẹ vẫn thường bị bất ngờ vì con mọc răng, cũng như không nhận biết được những dấu hiệu khi những chiếc răng đầu tiên nhú lên. Nắm bắt được những biểu hiện mọc răng của con để mẹ có sự chuẩn bị những cách chăm sóc trẻ mọc răng tốt nhất. Những biểu hiện điển hình của việc trẻ mọc răng như:
- Nước dãi bắt đầu chảy nhiều
- Tâm trạng cáu kỉnh
- Ngứa răng nên thích nhét ngón tay hay bất cứ thứ gì có được trong tầm tay vào miệng
- Hay quấy khóc
- Lợi sưng đỏ và to
- Chán ăn, lười bú và bỏ bú sữa mẹ
- Thường sẽ trở nên khó ngủ, hoặc mất ngủ
- Nhiều trường hợp bé bị tiêu chảy hoặc sốt do mọc răng
- Phát ban, chảy nước mũi hoặc hắt hơi, tiêu chảy
>>> Xem thêm: Băn khoăn của mẹ: trẻ mọc răng chậm có ảnh hưởng gì không?
Cách chăm sóc trẻ mọc răng khoa học
Khi con bước vào giai đoạn mọc răng, khó chịu cùng với sự vướng vui thì tâm trạng con sẽ trở nên căng thẳng, bé dễ bị tổn thương. Vì vậy mẹ cần giúp con cảm thấy dễ chịu hơn bằng một vài phương pháp sau đây:

Ngay cả khi con còn bé thì việc vệ sinh răng miệng là rất cần thiết cho sức khỏe của con
- Đừng quát hay ép con phải ăn trong giai đoạn này. Nhiều mẹ thấy con đột nhiên chán ăn, bỏ bữa lại nghĩ rằng bé đang làm nũng. Nhưng thực tế do đau nhức hàm nên con chán ăn là dễ hiểu. Thay vào đó, hãy chia nhỏ bữa các bữa ăn trong ngày, để con ăn ít một, không bị đói cũng không quá đáng sợ
- Chọn loại thực phẩm mềm, băm nhuyễn, nấu chín kỹ để con dễ nhuốt.
- Hạ cơn sốt do mọc răng cho con bằng khăn ấm lau người, chườm khăn lạnh lên trán. Không gian sinh hoạt bình thường cần sạch sẽ, thoáng mát. Trong trường hợp con sốt trên 38.5 độ, sốt kéo dài thì sự thăm khám, tư vấn của bác sỹ là điều cần thiết.
- Nhiều mẹ khi nghĩ đến cách chăm sóc trẻ mọc răng sẽ cho rằng không cho con dùng những đồ ăn lạnh hay nước mát. Điều này là không hợp lý. Khi con ngứa và đau nướu, các loại nước mát hoặc khăn để lạnh chờm sẽ giúp giảm cảm giác đau, con thoải mái và dễ chịu hơn đấy.
- Theo dõi tình hình tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy hàng ngày. Thông thường, khi mọc răng đi kèm với sốt nhẹ sẽ là triệu chứng tiêu chảy.
- Vệ sinh răng miệng hàng ngày cho con. Cách vệ sinh răng miệng cũng khá đơn giản, chỉ cần lấy khăn mềm sạch, chuẩn bị một bát nước, lau miệng và răng, nướu sau ăn từ 30 – 60 phút. Lưu ý không đưa sâu quá để tránh con bị nôn
- Dọn dẹp phòng ốc, khu vực chơi của con, nhất là những đồ chơi thường ngày cần phải đảm bảo sạch sẽ. Bé mọc răng sẽ rất thích đưa mọi thứ vào miệng để gặm cho “đỡ ngứa” đấy các mẹ nhé. Những đồ chất liệu mềm, an toàn, có góc tròn sẽ an toàn cho sức khỏe, phù hợp để bé gặm hơn đấy.
- Giữa hai bữa ăn chính của bé nên dùng nước lọc tinh khiết thay vì nước hoa quả hay sữa. Trong nước ép hoa quả có chứa một lượng đường nhất định rất không tốt cho quá trình mọc răng của trẻ.
Sai lầm mà các mẹ hay mắc phải trong cách chăm sóc trẻ mọc răng
Trong quá trình cùng con vượt qua thời kỳ mọc răng khó khăn, nhiều mẹ do vô tình, thiếu kiến thức đã mắc phải một số sai lầm như đưa bình sữa hoặc núm vú giả cho con ngậm cả ngày, răng ngâm mình trong sữa rất lâu. Điều này là nguyên nhân rất lớn dẫn đến phá hủy men răng, đồng thời cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Bên cạnh đó, nhiều mẹ nghĩ rằng giai đoạn này không cho bé ăn các loại thức ăn cứng ngay cả khi con đã lớn, mọc được nhiều răng. Thức ăn có độ cứng nhất định phù hợp sẽ giúp con có thể thích nghi tốt hơn và phát triển toàn diện.
Cách chăm sóc trẻ mọc răng không quá khó khăn nhưng cần các mẹ phải kiên nhẫn và tỉ mỉ. Hi vọng bài viết này đã phần nào giải đáp được những băn khoăn của mẹ, cũng như giúp mẹ tự tin với những cách làm đúng nhất khi chăm bé.
>>> Xem thêm: Mẹ có biết 6 nguyên nhân khiến trẻ mọc răng chậm?