Bệnh còi xương ở trẻ xảy ra khi cơ thể thiếu hụt một lượng vitamin D trong thời gian dài, bé có tình trạng xương mềm và yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho mẹ một số thông tin quan trọng để nắm rõ được nguyên nhân, triệu chứng và giải pháp điều trị kịp thời cho con.
Nguyên nhân mắc bệnh còi xương ở trẻ
Cơ thể con người cần một lượng vitamin D nhất định để hấp thụ được các vi dưỡng chất từ thực phẩm, tuy nhiên nếu không nhận đủ lượng vitamin D cần thiết sẽ có thể dẫn đến bệnh còi xương. Thông thường, trẻ thiếu vitamin D có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như:
Do không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Thông thường, để bổ sung vitamin D cho trẻ, cách an toàn và hiệu quả nhất chính là cho bé tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên hơn. Tuy nhiên, nếu bố mẹ giữ trẻ trong phòng quá kín hoặc do tâm lý sợ bé bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài mà không cho bé tắm nắng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin D trầm trọng ở trẻ.
Do chế độ ăn uống thiếu hụt vitamin D: Một số thực phẩm như dầu cá, lòng đỏ trứng gà, sữa, nước ép trái cây, ngũ cốc,…rất giàu vitamin D, nếu trong thực đơn hàng ngày, bố mẹ không bổ sung đầy đủ cho con sẽ khiến trẻ thiếu vitamin D trầm trọng.
Ngoài 2 nguyên nhân chủ yếu trên, có một số trường hợp trẻ thiếu vitamin D do gặp vấn đề về hấp thụ, điều này có thể xuất phát từ yếu tố bẩm sinh hoặc do một bệnh nào đó mà bé đang gặp phải, chẳng hạn: Bệnh viêm ruột, xơ nang, bệnh celiac hoặc trẻ đang gặp vấn đề về thận.
Ngoài ra, bệnh còi xương ở trẻ cũng xuất phát từ một số yếu tố như: Do mẹ thiếu vitamin D khi mang thai, bé bị sinh non hoặc sống ở vùng địa lý ít có ánh nắng mặt trời,…

Bệnh còi xương sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ
Bệnh còi xương ở trẻ nguy hiểm ra sao?
Để biết được trẻ có bị mắc bệnh còi xương hay không, mẹ có thể căn cứ vào những dấu hiệu sau:
- Thường xuyên quấy khóc, khó ngủ ban đêm, khi ngủ hay giật mình, ngủ không sâu giấc và đổ mồ hôi trộm trong khi ngủ
- Có dấu hiệu rụng tóc vành khăn phía sau gáy
- Xương thóp rộng, bờ thóp mềm, có các bướu đỉnh, bướu trán, đầu bẹp cá trê
- Răng mọc chậm, trương lực cơ nhão, táo bón
- Chậm phát triển: Chậm biết lẫy, bò, đi, đứng,…
- Trẻ bị còi xương nặng còn có một số biểu hiện như vòng cổ tay, chân, chân cong hình chữ X, chữ O, dô ức gà,…
Khi bị bệnh còi xương, các mảng tăng trưởng ở đầu xương của trẻ mềm hơn có thể gây ra tình trạng biến dạng xương, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến một số hiện tượng như: Trẻ chậm phát triển, cột sống bị cong bất thường, răng bị khiếm khuyết và có thể bị bệnh động kinh,…
Giải pháp phòng ngừa và chăm sóc trẻ bị bệnh còi xương
Bệnh còi xương có thể để lại nhiều di chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời, vì vậy để phòng ngừa mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
Thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng, tốt nhất là từ 7 giờ sáng, lúc này ánh sáng dịu, rất tốt cho làn da và cơ thể của bé.
Mẹ có thể bổ sung vitamin D cho trẻ thông qua chế độ ăn uống hàng ngày, có trong một số loại thực phẩm như lòng đỏ trứng, dầu cá,…mẹ có thể kiểm tra hàm lượng vitamin D có trong các loại thực phẩm này để bổ sung phù hợp cho con.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể bổ sung vitamin D cho trẻ bằng thuốc hoặc các loại thực phẩm chức năng nhưng cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Bệnh còi xương ở trẻ tiềm ẩn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến sức khỏe của bé, vì vậy để đảm bảo an toàn mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, cần cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ, nắm rõ được tình trạng vấn đề cụ thể của con tốt hơn.