Bé suy dinh dưỡng luôn là vấn đề khiến cha mẹ lo lắng mệt mỏi. Có thể chỉ vì một lần ốm, bé sút cân và bắt đầu trở nên biếng ăn. Nếu không cải thiện, bé sẽ chậm lớn, kém thông minh. Nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết lý do gây ra suy dinh dưỡng ở bé và cách khắc phục hợp lý.
Bé suy dinh dưỡng là do những nguyên nhân nào?
Suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ là tình trạng cơ thể thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu, tác động tiêu cực đến quá trình sống, hoạt động và sự phát triển bình thường. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2013 thì có tới 15% số trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ cân, 25,9% số trẻ suy dinh dưỡng thấp còi trên cả nước. Chiều cao của các bé dưới 90% so với tiêu chuẩn. Qua đó, mẹ có thể thấy chỉ cần chểnh mảng với chế độ dinh dưỡng một chút thì nguy cơ bé suy dinh dưỡng là rất cao.
Nhiều mẹ nghĩ rằng vì sữa mẹ không tốt, chế độ ăn của bé không đa dạng và đầy đủ lượng cần thiết nên bé mới suy dinh dưỡng. Trên thực tế, tình trạng suy dinh dưỡng lại thường gặp ngay từ khi bé còn ở giai đoạn bào thai, những năm tháng đầu đời, các bé sinh non cũng sẽ dễ bị thiếu chất hơn. Do đó, chế độ dinh dưỡng của mẹ cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, phần lớn là các mẹ thiếu kiến thức liên quan đến dinh dưỡng và chưa có chế độ chăm sóc tốt cho bé khi bị bệnh,…

Khẩu phần ăn nghèo nàn khiến bé dễ chán và biếng ăn gây suy dinh dưỡng
Trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ yếu ớt, chậm phát triển về thể lực, trí não, dễ mắc bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, ốm vặt hơn, ngủ không ngon giấc, thường quấy khóc hơn những bé phát triển bình thường. Chiều cao và cân nặng không đạt tiêu chuẩn là điều dễ nhận thấy nhất. Suy dinh dưỡng được chia thành 3 cấp độ:
- Suy dinh dưỡng độ 1: Cân nặng thấp chỉ còn 90% so với tuổi.
- Suy dinh dưỡng độ 2: Cân nặng thấp chỉ còn 75% so với tuổi.
- Suy dinh dưỡng độ 3: Cân nặng thấp chỉ còn dưới 60% so với tuổi.
Nếu bé xuất hiện những dấu hiệu khiến mẹ nghi ngờ là suy dinh dưỡng, cách tốt nhất là mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa nhi. Hướng điều trị thích hợp và hiệu quả sẽ được đưa ra giúp mẹ giải quyết vấn đề.
Các biện pháp giúp mẹ cải thiện tình trạng bé suy dinh dưỡng
Nếu bé con đang bị suy dinh dưỡng thì mẹ cũng không cần phải quá lo lắng. Điều cần làm lúc này là mẹ hãy cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho bé, tránh để bé ăn dặm hay cai sữa quá sớm. Khi bé được 4-6 tháng tuổi, mẹ hãy cho bé vận động thường xuyên để thể trạng và sức đề kháng tăng lên và điều chỉnh cho bé ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm:
- Tinh bột: Gạo, khoai tây,…
- Chất đạm: thịt cá, thịt gà, thịt lợn, thịt bò, tôm, trứng,…
- Chất béo: Mỡ, dầu thực vật,…
- Vitamin và khoáng chất: Rau củ, hoa quả chín.

Bé suy dinh dưỡng cần được ăn đầy đủ và đa dạng các thực phẩm
Chế độ chăm sóc và dinh dưỡng cho bé suy dinh dưỡng theo từng cấp độ có sự khác nhau.
– Trẻ suy dinh dưỡng độ 1 và độ 2:
Bé có thể được điều trị ở nhà. Mẹ hãy cho bé bú theo nhu cầu không kể là đêm hay ngày. Nếu mẹ không đủ sữa cho bé bú thì hãy dùng các loại sữa bột theo công thức để dặm thêm cho bé. Tuy nhiên, không phải loại sữa nào cũng thích hợp với bé, mẹ hãy lựa chọn và có thể thay thế nếu bé bị dị ứng hay khó tiêu. Đừng ngại hỏi ý kiến bác sĩ hay chuyên gia để có thể chọn cho bé loại sữa phù hợp nhất.
Với những bé từ 6 tháng tuổi trở lên cần được ăn bổ sung theo độ tuổi, tăng số bữa ăn và thức ăn của bé cần được nấu kỹ, tăng dần độ đặc bằng bột của các loại hạt ngũ cốc. Không chỉ đảm bảo dinh dưỡng cho bé, mẹ cũng cần chú ý đến khẩu phần ăn của chính mình. Bởi sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho bé ngay cả khi bé bắt đầu chuyển sang ăn dặm.
– Trẻ suy dinh dưỡng độ 3:
Bé suy dinh dưỡng ở mức độ nặng ngoài tăng số bữa ăn thì cần tăng dần lượng calo. Mẹ có thể cho bé sử dụng sữa cao năng lượng nhưng dưới sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu ngoài suy dinh dưỡng, bé có kèm theo bệnh lý khác như viêm phổi hay tiêu chảy thì việc điều trị tại bệnh viện là cần thiết.
Ngoài ra, mẹ cũng nên ghi nhớ thêm một số chú ý sau:
- Khi bé bị suy dinh dưỡng và có mắc thêm bệnh khác thì không tự ý mua thuốc, lạm dụng và sử dụng kháng sinh. Hãy tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị và hướng dẫn sử dụng thuốc đúng liều lượng, đúng thời gian để tình trạng bé cải thiện theo hướng tốt nhất, tránh được tác dụng không mong muốn khác.
- Chăm sóc và bồi dưỡng tích cực trong thời gian bé bị bệnh và chú ý dinh dưỡng giúp bé phục hồi sức khỏe sau thời gian mắc bệnh.
- Bé vẫn phải thực hiện lịch tiêm chủng đầy đủ.
- Với những bé trên 2 tuổi thì mẹ nhớ cho bé uống thuốc định kỳ mỗi 6 tháng một lần, 2 lần trong năm.
Bé suy dinh dưỡng sẽ dần được cải thiện khi mẹ thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng theo đúng tiêu chuẩn. Vì thế, mẹ không cần phải quá lo lắng, nếu có biểu hiện bất thường ở bé, mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để nhận được tư vấn điều trị thích hợp nhé!